Email thông báo tạo tài khoản, nhận bài, duyệt bài có thể vào Spam. Vui lòng kiểm tra Spam mail và Report Not Spam để email của hội thảo vào Inbox lần sau.

22 novembre 2024
Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM
Múi giờ Asia/Ho_Chi_Minh

Báo cáo viên chính

Những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và phát triển mạng từ tiếng Việt

Báo cáo viên: TS. Phạm Văn Lam

TS. Phạm Văn Lam

Tóm tắt nội dung báo cáo

Báo cáo này khái quát về lịch sử phát triển của mạng từ, đặc biệt là Mạng từ tiếng Việt, và giới thiệu những vấn đề ngôn ngữ quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển mạng từ này. Nội dung báo cáo tập trung phân tích cấu trúc vĩ mô của Mạng từ tiếng Việt, các dấu hiệu hình thức được sử dụng để xác định các quan hệ ngữ nghĩa, và mối quan hệ giữa cơ chế từ pháp và quan hệ ngữ nghĩa trong mạng từ. Đồng thời, báo cáo cũng đề cập đến vấn đề từ Hán Việt và sự xuất hiện của các từ thuộc trường hợp và đặc trưng văn hoá Việt Nam trong Mạng từ tiếng Việt.

Thông tin về diễn giả

Tiến sĩ Phạm Văn Lam hiện là Trưởng phòng Phòng Ngữ âm – Từ vựng – Ngữ pháp tại Viện Ngôn ngữ học và đồng thời là Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông đã thực hiện nhiều công trình khoa học quan trọng, trong đó có bộ sách "Phát triển năng lực tư duy – ngôn ngữ" (16 cuốn, Nxb Giáo dục, 2015), "Từ trái nghĩa tiếng Việt" (Nxb Giáo dục, 2020), và "Tiếng Mường cơ sở" (3 cuốn, 2020),... Bên cạnh đó, ông còn tham gia dịch và hiệu đính nhiều tác phẩm có giá trị như "Các lí thuyết ngữ nghĩa học từ vựng" (2015), "Lược sử ngôn ngữ: Chuyện kể về phát minh vĩ đại nhất của loài người" (2021), và "Ý thức đệ quy: Nguồn gốc của ngôn ngữ, tư duy và văn minh loài người" (2022), “Nhân học ngôn ngữ” (2022), “Các đế chế ngôn từ” (2023), “Think and grow rich” (2020), Bài học Phần Lan 2.0 (2021),…


Mô hình ngôn ngữ lớn và ứng dụng: Nghiên cứu điển hình về phân tích cảm xúc

Báo cáo viên: TS. Trần Khải Thiện

TS. Trần Khải Thiện

Tóm tắt nội dung báo cáo

Hiện nay, mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) đã chứng minh tiềm năng vượt trội trong ngôn ngữ học tính toán. Bài báo này tập trung vào ứng dụng của LLMs trong phân tích cảm xúc, một lĩnh vực quan trọng với nhiều ứng dụng thực tiễn. Qua nghiên cứu một case study cụ thể, chúng tôi trình bày hiệu quả của các mô hình như GPT-4 trong phân tích và đánh giá cảm xúc từ văn bản. Bài báo cũng thảo luận về triển vọng, thách thức kỹ thuật và đạo đức khi triển khai LLMs với mục tiêu thúc đẩy sự thảo luận và trao đổi ý tưởng giữa các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Thông tin về diễn giả

Tốt nghiệp thủ khoa Thạc sĩ Khoa học máy tính năm 2013 tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG-HCM) và nhận bằng Tiến sĩ Khoa học máy tính năm 2022 tại Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM), TS. Trần Khải Thiện hiện là giảng viên tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT). Ông đóng vai trò phản biện cũng như công bố nhiều bài báo trên các tạp chí SCIE uy tín như Artificial Intelligence Review, Connection Science, Journal of Intelligent & Fuzzy Systems, Soft Computing và IEEE Access. Ngoài ra, TS. Thiện còn là thành viên tích cực của các Ban Chương trình và Ban Cố vấn của nhiều hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, khoa học dữ liệu, truy xuất thông tin, học máy và học sâu. 


Sử dụng công cụ AI như một hỗ trợ học tập cho học viên cao học Ngôn ngữ Anh

Báo cáo viên: PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ

PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ

Tóm tắt nội dung báo cáo

Báo cáo này trình bày mô hình sử dụng các công cụ AI như một phương tiện hỗ trợ học tập cho các học viên cao học. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, việc áp dụng AI vào giảng dạy và học tập đang ngày càng trở nên phổ biến và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Báo cáo sẽ thảo luận về các công cụ AI hiện có, cách chúng được triển khai trong môi trường giáo dục, và những lợi ích cũng như thách thức mà chúng mang lại. Ngoài ra, thông qua một số nghiên cứu trường hợp cụ thể, báo cáo cũng sẽ minh họa cách các công cụ AI có thể giúp nâng cao hiệu quả học tập và hỗ trợ học viên trong việc nghiên cứu và phát triển kiến thức chuyên môn.

Thông tin về diễn giả

PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ hiện là Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Đại học Văn Lang, Việt Nam. Ông từng là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, Việt Nam. PGS.TS. Hổ đã công bố 68 bài báo nghiên cứu trên các tạp chí trong nước và quốc tế (ISI/Scopus-indexed), cùng với 9 sách và giáo trình, trong đó có 3 giáo trình được sử dụng cho cả bậc đại học và sau đại học tại Đại học Văn Lang, Đại học Mở TP.HCM, Việt Nam, và Trường Đại học Lourdes, Khoa Giáo dục Bậc Cao, Cagayan de Oro City, Philippines. Ông có kinh nghiệm giảng dạy quốc tế tại Trường Đại học Công nghệ Suranaree, Thái Lan và Đại học Gyeongju, Hàn Quốc. Hiện ông là Phó Chủ tịch phụ trách Hành chính của AsiaCALL và là biên tập viên quản lý của Tạp chí Trực tuyến của tổ chức này. Ông cũng là Tổng Biên tập của Tạp chí Quốc tế TESOL & Education và Tổng Biên tập cho nhiều kỷ yếu hội thảo được xuất bản bởi Atlantis Press, một phần của Springer. Ông cũng là thành viên ban biên tập của Tạp chí Ngôn ngữ Ứng dụng Châu Á (Scopus-Q2), và là người phản biện cho một số tạp chí quốc tế được lập chỉ mục trong ISI/Scopus như Computer Assisted Language Learning, Open Sage... Hiện nay, ông đang là biên tập viên cho một cuốn sách biên soạn của IGI Global, với tiêu đề “Implementing AI Tools for Language Teaching and Learning”.